Trong số những trai đẹp vây quanh Võ Tắc Thiên, nổi bật nhất vẫn là bốn sủng nam này. Được sủng ái, nhưng kết cục của họ thật thê thảm.
Sau khi Cao Tông mất, nhìn thấy cảnh mẫu hậu cô đơn, ủ dột chốn hậu cung xa hoa tráng lệ, Thái Bình công chúa đã hiểu được “tâm tư” của mẫu hậu nên đã đưa kẻ du sĩ giang hồ tên Phùng Tiểu Bảo vào cung "làm bạn” với Võ Tắc Thiên.
Năm đó, Phùng Tiểu Bảo vừa mới ngoài 30, tuy không xuất thân dòng dõi quý tộc mà chỉ là một kẻ ngao du giang hồ bán thuốc mưu sinh, nhưng anh ta hơn người vì có tướng mạo trắng trẻo, khôi ngô tuấn tú và phong tình, tinh lực sung mãn, việc xuất hiện đúng lúc nên đã được Võ Tắc Thiên vô cùng sủng ái. Phùng Tiểu Bảo rốt cuộc cũng chỉ là kẻ vô danh tiểu tốt, đối với Võ Hậu mà nói rất mất thể diện, lâu dài sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của mình. Phải làm thế nào?
Thái Bình công chúa đã đọc được những ưu tư đó bèn dâng kế để Tiểu Bảo có thể đường hoàng ra vào chốn hậu cung. Võ Tắc Thiên thấy hợp tình hợp lý nên nghe theo lời công chúa cho Phùng Tiểu Bảo xuất gia làm tăng ni tại chùa Bạch Mã trong thành Lạc Dương với nhiệm vụ chính là sửa chữa, trùng tu lại chùa để có cớ sau này có thể tiếp nhận chức trụ trì, nhằm thay đổi thân phận.
Tuy không ngày đêm bên cạnh nhưng Võ Hậu cũng không quên thường xuyên chỉ giáo hắn ta. Bà yêu cầu những lúc nhàn rỗi phải chăm chỉ học Phật giáo kinh, tu thân dưỡng tính để đạt đến cảnh giới, có như thế mới hòng thay đổi được thân phận, rút ngắn cự li để có thể làm trụ trì. Để có thể thay đổi tận gốc địa vị và thân phận của Phùng Tiểu Bảo, đích thân Võ Hậu đổi tên cho hắn thành Hoài Nghĩa, ban cho họ Tiết, thậm chí còn yêu cầu phò mã đô úy Tiết Thiệu, chồng Thái Bình công chúa phải đối đãi hắn với danh nghĩa là thúc phụ.
Bản thân Tiết Hoài Nghĩa luôn nuôi hi vọng có thể đặt viên gạch vào sân chính trị của Võ Tắc Thiên. Năm 688, Võ Hậu giao cho anh ta một việc vô cùng quan trọng giám sát xây dựng Minh Đường. Tiết Hoài Nghĩa đã không phụ sự kỳ vọng của Võ Hậu và được ban cho chức quan 3 phẩm và thành đại tướng quân tả võ vệ, đồng thời phong là lương quốc công, sau này đảm nhiệm chức đại tổng quản, chỉ huy quân đội viễn chinh quân Đột Quyết. Mọi việc được giao hắn ta đều làm rất xuất sắc chính vì thế càng ngày càng được Võ hậu ân sủng.
Nhưng bản chất vốn là người hèn kém cho nên khi có chút công lao thì quên hết tất cả, Tiết Hoài Nghĩa nhanh chóng không biết trời cao đất dày là đâu, thường xuyên cao ngạo, thậm chí còn dám bất kính với Ngự sử và Tể tướng đương triều. Những hành động này không bao lâu đã khiến Võ Hậu bất mãn, bà ta đã dần xa rời và bỏ rơi hắn. Đúng lúc này Ngự y Thẩm Nam Mậu lại xuất hiện và bước vào cuộc đời của bà. Sau khi biết Võ Tắc Thiên sủng ái Thẩm Nam Mậu, Tiết Hoài Nghĩa đã tìm mọi cách để cứu vãn tình cảm của hoàng thượng với mình. Ngày 15 tháng Giêng năm 695 (tức tiết Thượng nguyên), Tiết Hoài Nghĩa đã bỏ tâm sức bày biện một bữa tiệc thượng nguyên nhưng không được Võ Tắc Thiên màng tới. Tức giận ngút trời, ngày 16 hắn đã cả gan đốt cháy Minh Đường.
Đối với Võ hoàng đế mà nói Minh Đường là ý chỉ của thiên mệnh, là nơi bà truyền lệnh thiên hạ, là biểu tượng của Võ Chu vương triều. Ngay đến việc tạo hình Phong áp cửu long trên đỉnh Minh Đường cũng đích thân bà tạo hình và chính tay vẽ, đấy đều là những vật bà theo đuổi cả đời. Chỉ vì chút tư tình bản thân mà Tiết Hoài Nghĩa đã dám đốt cháy đi biểu tượng thần thánh nhất trong lòng bà để uy hiếp quyền lực của bà. Đương nhiên tội tày đình không thể tha và hắn ta sớm nhận cái kết đầy thê thảm.
Nói về Thẩm Nam Mậu. Mỹ nam này vốn là người ôn hòa rất hiểu tâm tư, tình cảm của Võ Tắc Thiên, chỉ cần nhìn ánh mắt sắc mặt của hoàng thượng, Thẩm Nam Mậu có thể hiểu được chủ nhân muốn gì. Đúng lúc Võ Tắc Thiên đã đến tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe sa sút, anh ta lại luôn ngày đêm tận tâm chăm sóc và ở bên cạnh hoàng thượng. Dần dần Võ Tắc Thiên rất yêu quý anh ta và cho đãi tẩm (hầu chuyện giường chiếu).
Thẩm Nam Mậu thường xuyên vào cung, bảo sao nghe vậy, xuất thân cũng không phải thấp hèn, đúng ra là đã đủ mọi yếu tố thành nam sủng bậc nhất của hoàng thượng. Nhưng hiềm một nỗi sức khỏe của Thẩm Nam Mậu không tốt, tinh lực không thể sung mãn như trai trẻ nên không thể “thỏa mãn” được nỗi khát khao của Võ Tắc Thiên. Cuối cùng vào một đêm đẹp trời, người có y pháp giỏi từng chữa khỏi chứng ngứa nan y cho Võ hậu nhưng không thể tự chữa nổi mệnh mạch của chính mình, hứng chịu cáichết bất đắc kỳ tử.
Võ Tắc Thiên lại sống cảnh cô đơn lẻ bóng nơi hậu cung, việc này khiến Thái Bình công chúa lo lắng không yên. Đến năm 697, Thái Bình công chúa đã tiến cử cho mẫu hậu một chàng trai trẻ trung thanh tú, thông hiểu vận luật, giỏi ca múa. Quả nhiên, Trương Xương Tông đã không phụ mong đợi của Võ Tắc Thiên và nhanh chóng được sủng ái hết mực. Nhằm xây dựng phe cánh lực lượng mưu đồ làm việc lớn nên anh ta đã nhanh chóng tiến cử anh trai mình là Trương Dịch Chi với Võ hoàng thượng.
Hai anh em họ Trương đều trở thành sủng nam của hoàng thượng. Ban đầu, mối quan hệ này còn lén lút, việc ra vào cung của bọn họ không được công khai. Sau này thấy bất tiện, bà hoàng bèn nghĩ ra một cách, lấy lý do cần sửa sách “Tam giao châu anh” nên cho bọn họ một danh phận chính đáng để có thể công khai đi lại tự do ở nội điện và hậu cung.
Ở bên Võ Tắc Thiên 8 năm, nhận được ân sủng đặc biệt nên hai anh em họ Trương được phong vô số chức vụ quan trọng như: ty vệ thiếu khanh, Khống Hạc giám nội cung phụng, phụng thần lệnh, lân đài giám, phong hằng quốc công… Hai anh em họ Trương chuyên quyền hốc hách khiến văn võ bá quan trong triều cũng khiếp sợ.
Những năm cuối đời Võ Tắc Thiên đã để bọn họ điều hành hầu hết các việc triều chính. Thần long nguyên niên năm 705, Võ Tắc Thiên lâm trọng bệnh, các đại thần như Thôi Huyền, Trương Gian vội vã cho nghênh đón Trung Tông Lý Hiển hồi cung phục vị, Võ Tắc Thiên nằm trên giường bệnh phải truyền ngôi báu lại cho Lý Hiển. Các đại thần đồng thời mưu sát hai anh em Trương Dịch Chi và Trương Xương Tông, sau khi giết chết còn cho bêu đầu công khai ở Kiều Nam Thiên Tân. Vậy là hai sủng nam cuối cùng của bà hoàng khét tiếng dâm đãng Võ Tắc Thiên cũng nhận cái kết đầy thê thảm không toàn thây. Chính vì thế có thể nói xưa nay việc được hoàng thượng sủng ái chưa chắc đã là một việc tốt.
(Kiến Thức)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét