PhotobucketPhotobucket GUESTBOOK PhotobucketPhotobucket

Photobucket Blog

Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

Những vị vua tàn bạo nhất lịch sử TQ

Có nhiều vị hoàng đế được biết đến là ông vua tốt, yêu dân như con, nhưng bên cạnh đó, trong lịch sử có không ít các vị vua tàn bạo khiến dân chúng ghê sợ.

1. Tần Thủy Hoàng

Tần Thủy Hoàng là hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc từ năm 221 - 210 TCN, có công thống nhất đất nước nhờ chính sách xâm lược và cai trị tàn bạo. Nhiều sử sách ghi nhận rằng, ông là người độc ác, hay nổi nóng và tàn sát người dân của mình.



Trong năm đầu tiên nắm quyền, hơn 120.000 gia đình đã buộc phải di dời khỏi nhà của họ. Ông đốt gần như tất cả sách và văn thơ của Trung Quốc và đã có hàng trăm học giả bị chặt đầu, chôn sống.
Ông là người đặt nền móng cho việc xây dựng Vạn Lý Trường Thành nhưng cũng vì công trình này mà có hàng trăm ngàn người đã bị bắt ép làm việc, bị chết đói và bị giết.



Tần Thủy Hoàng là người bị ám ảnh nhiều nhất về phương thuốc trường sinh bất lão. Ông đã chôn sống 480 thái y và các học giả khi họ không tìm ra cách để bào chế thuốc trường sinh bất lão.

Ngay cả khi sắp chết, ông cũng lo sợ rằng mình sẽ bị tấn công, do đó, ông ra lệnh cho xây dựng một lăng mộ rộng 4,8km với 700.000 người dân tham gia xây dựng. Hầu hết trong số họ đã thiệt mạng trong quá trình xây dựng lăng mộ. Tần Thủy Hoàng chết vào tháng 9 năm 210 TCN.

2. Nữ vương Võ Tắc Thiên

Võ Tắc Thiên là hoàng hậu của Trung Quốc từ tháng 10 năm 690 đến tháng 2 năm 705. Bà là người phụ nữ duy nhất trong lịch sử Trung Quốc cai trị đất nước bằng uy quyền của mình.



Bà rất tàn nhẫn, độc ác, tàn bạo, trụy lạc và đã khiến cuộc sống của người dân rơi vào cảnh hỗn loạn. Hàng ngày, bà đều ban xuống các lệnh tra tấn, hành quyết và buộc người khác phải tự tử.

Bà cũng áp dụng các hình phạt này với cả thành viên trong gia đình bao gồm cháu gái, cháu trai và thậm chí là con gái mới sinh của bà. 

Ngay cả những người con trai của mình, bà cũng ra lệnh đưa đi lưu đày, và ép buộc một trong số những con trai mình tự tử.
Võ Tắc Thiên đã ra lệnh đầu độc, thắt cổ hàng ngàn người và thiêu họ ngay cả khi họ còn sống. Bà qua đời vào tháng 12 năm 705 ở tuổi 81.

3. Vua Trụ

Vua Trụ là ông vua đời thứ 30, cũng là vị vua cuối cùng của triều đại nhà Thương.



Ách thống trị của vua Trụ trong thời kỳ cuối trở nên bạo ngược hơn lúc nào hết. Nhằm hưởng lạc thú với ái phi Đát Kỷ, nhà vua không đếm xỉa đến sự sống chết của dân, dốc sức vào việc xây dựng cung điện, hao phí biết bao tiền của và sức người, trong 7 năm trời mới xây nên một tòa cung điện mới đặt tên là Lộc Đài, quy mô và hào hoa tráng lệ.

Đát Kỷ ái phi của vua Trụ tuy là người có nhan sắc, nhưng lòng dạ cay nghiệt, hoang dâm và quỷ quyệt đa đoan, mụ thường xuyên xui vua Trụ bày trò hại người để mua vui. 

Vua Trụ nghe lời Đát Kỷ đã bày ra một hình phạt, bắt những người phản đối mình bước đi trên cây trụ đồng đã nung nóng, họ bước đi được mấy bước bị cháy da nát thịt, đau đớn quằn quại. Ông ta còn trừng trị người phạm tội bằng cách băm nát như tương, cắt ra từng miếng thịt đem phơi thành thịt khô.

Nghe lời Đát Kỷ, vua Trụ còn cho người đào một cái bể cạn, bên trong thả đến hàng vạn con rắn độc và các loài độc trùng như rết, bọ cạp. Và để mua vui, Vua Trụ liền sai người bắt mấy chục thường dân quăng xuống bể. Khi nhìn thấy những người này đau đớn kêu gào, nhà vua và Đát Kỷ đều khua chân múa tay cười nói như không.
Vua Trụ còn ngang nhiên vơ vét của dân đem về cất giữ trong Lộc Đài, lương thực cướp bóc được thì cất đống trong "Củ Kiều".

4. Tùy Dạng Đế Dương Quảng

Tùy Dạng Đế tên thật là Dương Quảng, là con thứ của Tùy Văn Đế (Dương Kiên). Dương Quảng sinh năm Kỷ Sửu 569 và mất năm Đinh Sửu 617.

Năm 600, vì ngôi báu, Dương Quảng đã mưu đồ sát hại anh trai mình. Năm 604 Tùy Văn Đế bị bệnh nặng, lúc này mới phát hiện ra sự gian loạn của Dương Quảng, định phế truất ngôi thái tử của Dương Quảng nhưng Dương Quảng đã bí mật sai kẻ thân tín bỏ thuốc độc giết Tùy Văn Đế.


Lên ngôi xong liền cho xây dựng Đông Đô, đào Đại Vân Hà, sửa sang vườn Ngự uyển trong Hoàng cung, xây dựng Trường thành. Công trình to lớn như thế mà thời hạn hoàn thành không đến một năm, nhân công dùng mỗi tháng cần hơn 2.000.000 người. 

Do đôn đốc lao dịch quá khắt khe nên phu dịch cứ 10 người thì chết 4-5. Đội thu xác chết phải dùng xe chở tử thi, chết ở hướng đông thì chôn ở Thành Cao, chết ở hướng tây thì chôn ở Hà Dương.

Để có tiền của cho việc ăn chơi, đi tuần du, Tùy Dạng Đế đã thi hành nhiều biện pháp sưu cao thuế nặng để bóc lột, vơ vét của cải của nhân dân và đưa vào kho riêng của mình. 

Chỉ trong thời gian ngắn Tùy Dạng Đế đã vung tay tiêu tiền như rác, đặc biệt chính sách bạo ngược tàn sát cướp bóc dân lành đã làm cho nhân dân căm phẫn đứng lên khởi nghĩa. Đó chính là cơ sở để vương triều nhà Tùy sớm bị diệt vong.

Theo Báo Du Học

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét