PhotobucketPhotobucket GUESTBOOK PhotobucketPhotobucket

Photobucket Blog

Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

Lý giải về hiện tượng bóng đè dưới góc độ khoa học và tâm linh



Có người cảm thấy như nghe có sức mạnh đè lên nguời mà không thể nào đẩy ra được, khó thở, có khi bị ảo giác nhìn thấy những hình ảnh khủng khiếp, hoặc nghe được âm thanh bí ẩn. Có người còn thấy hình như có ai đó đứng, ngồi bên cạnh hay cảm giác như bị đẩy ngã ra khỏi giường,... Đó là hiện tượng "bóng đè" mà mỗi người ít nhất 1 lần trong đời phải trải qua.



Tiến sĩ Vũ Thế Khanh - Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Ứng dụng Tin học - UIA lý giải hiện tượng này như sau:
“Bóng đè là hiện tượng rất phổ biến, thường xảy ra khi cơ thể rơi vào trạng thái ngủ. Nhiều tài liệu nói rằng khi mọi người ngủ có đến 40 % đã bị “bóng đè”. Nhưng nếu căn cứ vào các triệu chứng và thống kê tỷ mỉ với thời gian đủ lớn (thống kê cho cả đời người) thì phải đến trên 80% dân số đã trải qua trạng thái “bóng đè”- có điều, sau khi ngủ dậy, nhiều người bị rơi vào “quên” hoặc không chú ý nên không nhận ra.
Trong các câu chuyện dã sử, hiện tượng này đã được người Trung Quốc ghi chép lại cách đây hơn 3.000 năm. Các nhà sử học Âu Châu cổ đại cũng đã mô tả hiện tượng tương tự, nhưng lại giải thích là do con quỷ ngồi đè lên nạn nhân khi họ đang ngủ, và được coi là những cơn ác mộng.
Có vẻ như cảm giác cực kỳ khó chịu do hiện tượng “bóng đè” đó gây ra đã ám ảnh hầu hết mọi nền văn hóa từ cổ chí kim, chỉ có điều người ta đã mô tả nó với nhiều hình thái và tên gọi khác nhau (nào là bị ma đè, nào là bị yêu tinh hớp hồn, nào là bị mộc tinh ám toán, nào là bị thần xà chiếu tướng…).
Hiện tượng bóng đè tuy không có tổn thương thực thể, nhưng gây bức xúc về tâm lý.

Bóng đè có thể diễn ra trong vài phút nhưng cũng có thể lâu hơn 30 phút. sau khi kết thúc hiện tượng bóng đè, họ sẽ cảm thấy toàn thân mệt mỏi, rã rời và ướt đẫm mồ hôi
Bóng đè thường xảy ra trong giai đoạn cuối của giấc ngủ. Khi bị bóng đè thì bạn tạm thời bị bất động là do một cơ chế bảo vệ đã ngăn cản hệ vận động, không cho hệ thực hành mệnh lệnh của vỏ não đã ban ra trong giấc mơ. Nó giống như hệ thống rơle tự ngắt vậy.
Bóng đè có thể lặp lại vài lần trong một đêm. Có những người lại ngủ thiếp đi và sáng hôm sau thường không nhớ họ đã gặp hiện tượng bóng đè
Có người cứ ngủ đến khoảng nửa đêm là bị “bóng đè” không sao nhúc nhích được, cứ cố vùng vẫy thì lại càng bị ’giữ chặt’. Thấy họ bị ú ớ, người nằm cạnh lay mãi mới tỉnh. Vì không kiểm soát được giấc ngủ của mình, nên nhiều người đã không biết mình bị “bóng đè” khiến mệt mỏi khó thở lúc ngủ mà cứ nghĩ căn nhà bị ma ám, quỷ ám…

Có những người bị rơi vào cảm giác như thấy mình bị rơi từ trên cao xuống vực, hoặc thấy bị ai đó bóp cổ, bị chó đuổi, rắn tấn công...muốn chạy mà không nhúc nhích nổi. Có người khi bị bóng đè cảm thấy như nghe có sức mạnh đè lên nguời mà không thể nào đẩy ra được, khó thở, có khi bị ảo giác nhìn thấy những hình ảnh khủng khiếp, hoặc nghe được âm thanh bí ẩn. Có người còn thấy hình như có ai đó đứng, ngồi bên cạnh hay cảm giác như bị đẩy ngã ra khỏi giường.
Có những ngườiđang ngủ, chợt thức giấc và nhận ra mình đang ngừng thở, người tê cứng, như bị ai trói chặt, không thể nhúc nhích được, như có vật gì rất nặng đè lên ngực. Ý thức bản năng cố hết sức để vùng vẫy, đẩy cái “vật nặng” ấy ra nhưng các cơ thể không chịu nghe lời. Trong hoảng loạn, muốn gọi người bên cạnh lay giúp để thoát khỏi trạng thái đáng sợ đó nhưng chỉ có thể phát ra những tiếng ú ớ nhỏ. Thường phải tự vật lộn một lúc lâu, mới “hất” được “vật nặng”, thở hổn hển vì mệt và sợ.



Có những trường hợp khi chuyển về nhà mới cũng thường hay bị hiện tượng bóng đè. Vì sao?


- Khi bị bóng đè, vỏ não hoạt động nhanh, các tế bào thần kinh kích động mạnh, nhiệt độ trong sọ tăng do tăng chuyển hoá, hoàn toàn không khác gì lúc thức. Tuy nhiên, các giác quan lại không tiếp xúc với trần cảnh, các cơ bắp không căng vì luồng thần kinh vận động bị chặn, các trung khu thần kinh chỉ huy lời nói và cử động bị ức chế, thậm chí nhiều khi hệ hô hấp cũng ngừng hoạt động hoặc loạn nhịp, nên cơ thể mới có cảm giác bất lực như vậy.

Trong số những người bị “bóng đè” thì có đến 60% rơi vào tình trạng ngưng thở cục bộ.Nếu sự ngừng thở quá giới hạn cho phép thì có khi dẫn đến tử vong, mà đã tử vong rồi thì không còn quay lại để kể về hiện tượng bị “bóng đè” nữa, nên người đời có thể quy kết là bị đột tử, đột quỵ, trụy tim…
- Những cơn bóng đè này xuất hiện khá thường xuyên, không chỉ vào lúc ngủ sâu mà có khi vào lúc ngủ chập chờn, lơ mơ (kiểu nửa thức, nửa ngủ), thậm chí trong giấc ngủ trưa. Có những trường hợp tinh thần vẫn còn đang tỉnh táo mà cũng bị “bóng đè”

Bóng đè khác với mộng du. Khi bị mộng du, hệ cơ bắp được vận hành hoàn toàn theo chức năng bẩm sinh mà không cần sự điều khiển của ý thức chủ động, còn hiện tượng bóng đè thì tuy ý thức “ra lệnh” mà hệ vận động như bị “khóa chặt” nên không tuân theo.


Bóng đè là một hiện tượng tâm sinh lý điển hình của hệ thống tính năng cơ thể. Nó được ví như hệ thống “Rơle” trong kỹ nghệ, nhằm bảo vệ cơ thể bằng cách vô hiệu hóa những mệnh lệnh “tái sinh” từ hệ điều khiển đến hệ thống vận động trong lúc cơ thể đang được duy trì ở trạng thái “nghỉ” - do vậy sự “đè nén” ở đây không có thực thể mà chỉ là hiệu ứng do “cái bóng” gây ra mà thôi.
 Mệnh lệnh “tái sinh” chỉ là “mệnh lệnh ảo” được não bộ tái hiện lại, hoặc ”sáng tác ra” trong giai đoạn ta đang ngủ, vì vậy mệnh lệnh loại này chỉ được “chiếu thử” lên màn hình của não bộ mà không được thực thi bởi các cơ quan chức năng của cơ thể.


Chính vì vậy, trong suốt giai đoạn mộng mị của giấc ngủ, hoặc trong lúc bị “bóng đè”, cơ thể vẫn được duy trì trạng thái “nằm yên” bởi các cơ bắp bỗng nhiên bị “mất điện” nhằm ngăn cản các hành động có thể diễn ra theo kịch bản phiêu lưu quái dị và lãng mạn của não bộ vẽ vời ra.

Vậy, Hiện tượng bị “bóng đè” là triệu chứng nhiễu loạn chức năng cơ thể sinh học khi ta ngủ, ý thức rơi vào trạng thái tâm lý đặc biệt, gần như mất ‘rôtin” điều khiển, nên “hệ thống chức năng”hầu như mất thế chủ động. Đó là một trải nghiệm gây nên cảm giác hoảng sợ, hoang mang, bất an, giống như mình đang bị đè nén, bị khống chế mà không thể cưỡng nổi.

* Hiện tượng bóng đè thường do những nguyên nhân sau:

1. Những nguyên nhân liên quan đến trạng thái sức khỏe:

- Do nếp sông sinh hoạt bị đảo lộn, mà ảnh hưởng đến quy trình của giấc ngủ như như sự thay đổi công việc, sự căng thẳng, , lao động mệt nhọc, lo lắng thái quá (stress)

- Cơ thể người mới ốm dậy, suy nhược, những người “yếu bóng vía”, hay hoang tưởng, ám ảnh vì những điều vu vơ mà thiếu suy xét khoa học, tâm thần tiền phân liệt…
- Khi nhịp tim nhanh trên 100 lần/phút được phép gọi là nhịp tim nhanh, thường gặp khi phải gắng sức, xúc động, sốt, trạng thái cường giao cảm, viêm cơ tim, thiếu máu hay trong một số bệnh thiếu vitamin B1, cường chức năng tuyến giáp trạng hoặc bệnh tim phổi mạn tímh, cũng có khi bóng đè là dấu hiệu tiềm ẩn của một số bệnh tim mạch, bệnh thoái hóa thần kinh, như chứng Parkinson

- Hội chứng ngưng thở hoặc bất ổn nhịp tim trong khi ngủ. Hội chứng này làm cho bệnh nhân ngưng thở thường xuyên trong khi ngủ, gây xáo trộn cân bằng giữa oxy (O2) và cacbonic (CO2) trong máu. Não cảm nhận được sự giảm (O2) và sự tăng CO2 này nên cho tín hiệu xuống để kích thích bệnh nhân thở lại và bệnh nhân thức giấc
- Do đặc điển cấu tạo hình thể: vòng cổ lớn (béo phì); lưỡi to, cằm lẹm, hàm dưới nhỏ, vẹo vách ngăn mũi, polyps, amidan to... hen suyễn, viêm mũi, viêm xoang... những bệnh ngăn cản quá trình đưa ô-xy lên não.



2. Những nguyên nhân liên quan đến môi trường sống và sinh hoạt


- Hay sử dụng bia rượu, thuốc lá, chất kích thích

- Ngủ trưa quá dài hoặc ngủ phi thời

- Xem các phim ảnh, sách báo hoặc tham gia các trò chơi kinh dị, gặp các biến cố gây hoảng loạn, trầm cảm.

- Do tư thế nằm ngủ, nếu để tay lên ngực khi ngủ sẽ gây khó khăn cho việc thở và dễ bị rơi vào trạng thái bóng đè, mặc áo quá chật, hoặc không khí nhiều CO2 hoặc thán khí trong một buồng ngủ, thậm chí chỉ cần nằm nghiêng bên trái cũng có thể gây bóng đè với mê hoảng dữ dội.

3. Những nguyên nhân liên quan đến yếu phong thủy nội ngoại thất

“Bóng đè” chẳng ai nhìn thấy, nhưng lại “cảm thấy” rất rõ, hầu như ai cũng bị bóng đè ít nhất một lần trong đời. Triệu chứng “bóng đè’ cần được nghiên cứu sâu hơn nữa vì ảnh hưởng của hiện tượng này rất lớn trong đời sống tâm linh xã hội.


Không chỉ ở con người, ngày cả ở loài vật cũng gặp phải trường hợp này. Như con rết chạy rất nhanh, con sên thì chạy quá chậm, nhưng rết nhìn thấy con sên là bủn rủn chân không thể bò được nữa, con sên chỉ việc bò quanh con rết một vòng lấy nhớt làm “trại giam” rồi tiến vào ăn con rết.

Con rắn lúc bình thường thì hung hãn, đáng sợ, nhưng khi rơi vào chuồng lợn thì lại bị ‘mất vía”, con trăn rất khỏe nhưng lại ‘mềm nhũn’ khi bị trói bởi sợi sắn dây…
Mỗi loài trong thế giới tự nhiên đều có những ‘khắc tinh’ khống chế nhau, do vậy khi gặp “khắc tinh” liền bị ‘bắt vía”. Vậy “bóng, vía”...là phạm trù bí hiểm, khó khống chế, nhưng lại thường gây ra những hiệu ứng phi tự nhiên,
Theo triết học Đông Phương, mỗi con người được thị hiện bởi 2 thành tố: phần Thực thể (phần vật chất nhìn thấy bằng sắc tướng) và phần Tâm thể (phần vật chất vô hình không nhìn thấy bằng mắt thường). Trong phần Tâm thể có 3 hình thái là Hồn, Vía và Phách. 

Thể Hồn luôn gắn liền với thân xác khi con người còn sống, khi chết thì ‘hồn lìa khỏi xác’, còn thể Vía và thể Phách thì có khi bị ‘thất tán” ngay cả khi con người còn sống, cho nên mới có câu ‘sợ mất Vía”, hoặc ‘Hồn siêu Phách lạc”
. Có một số quan niệm thể Vía và thể Phách cũng chính là một, nhưng lại có những quan niệm thể Vía là dạng “năng lượng dự lênh” còn thể Phách là “năng lượng động lệnh”, hay nói cách khác, thể Vía giống như “thế năng sinh học’ còn thể Phách là “động năng sinh học”. Tuy không nhìn thấy, nhưng Via và Phách lại có ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần của cơ thể sinh học, chính vì vậy người ta mới tính “bàn thắng trên sân đối phương sẽ có giá trị hơn trên sân nhà”.
Thể Vía và thể Phách như một “chiếc lồng” bao quanh cơ thể sinh học. Độ lớn của chiếc lồng “thể Vía” có qun hệ mật thiết với sự cảm nhận của 6 giác quan. Nói một cách trực giác là khi ta nghe thấy thiếng súng từ xa đã sợ rồi, nhưng với người điếc thì cho dù ở gần vẫn “điếc không sợ súng”. Khi con gà nhìn thấy diều hâu từ xa đã chạy nhớn nhác, nhưng nếu con “gà mù” thì nó vẫn “bình chân như vại” mặc dù sắp bị vồ.
Khi các giác quan bị đóng (ví dụ như khi ta ngủ) thì “chiếc lồng” có thể bị thu hẹp nhưng nó vẫn còn rất hữu hiệu trong cự ly từ 2 đến 3 mét.
Tác động của môi trường vào cơ thể sinh học trước hết phải “xuyên qua” chiếc lồng này. Nhiều khi sự tác động của môi trường chưa tới được cơ thể sinh học, mà mới chỉ chớm đến “chiếc lồng” là cơ thể đã nhận biết được rồi.
 Một ví dụ thường thấy, khi một đứa trẻ mới chỉ vài ba tháng tuổi, nếu có người lạ đến dù còn cách vài mét mà nhìn chằm chằm với thái độ không thân thiện thì đứa bé liền có phản ứng và khóc ngay, nhưng khi mẹ đứa bé chạy lại (tuy còn cách xa vài ba mét) mà nó đã thấy “yên lòng” rồi.
Như vậy, trong khi ta ngủ những tác động của môi trường tuy chưa trực tiếp vào cơ thể, mà mới chỉ cách xa dăm ba mét là “chiếc lồng” đã có thể “chịu sức ép” và đã truyền tín hiệu đến cơ thể sinh học và lập tức cơ thể đã sinh ra phản ứng rồi.
Khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển. Các phương tiện, dụng cụ bằng điện, bằng kim loại bằng pha lê, bằng sợi tổng hợp, bằng sơn tường…..được dùng ngày càng phổ biến trong mỗi gia đình. Chúng đem lại nhiều tiện ích cho cuộc sống; nhưng nó cũng tác động vào “chiếc lồng thể Vía và thể Phách” nên gây ra những bất lợi cho sức khỏe.

Tại ngôi nhà ta phải thấy sảng khoái, thư thái thì mới khế hợp với thuật Nội thất phong thủy. Nếu cảm thấy ủ dột, căng thẳng, mất ngủ, thường xuyên gặp ác mộng, hay ốm đau, bệnh tật, hay gặp tai nạn….thì nên xem chừng những sóng độc hại đang hoành hành trong nhà của ta. 
Chúng có mặt khắp nơi: trong phòng khách, phòng ngủ, trong phòng ăn, nhà bếp… Các yếu tố như hướng đặt giường, thông gió, chỗ kê máy thu hình, máy vi tình, máy giặt, lò vi sóng, radio, lò sưởi, máy sấy, máy điều hòa nhiệt độ gương kính, màu sắc dụng cụ và sơn tường trong nhà cũng đều ảnh hưởng đến nhịp sinh học!


Tất cả những máy móc, thiết bị, mạng điện trong nhà, ngoài nhà luôn luôn bức xạ và khuyếch đại độ độc hại. Chúng ta đang sống trong một màn sương điện từ mù mịt và khó có thể tránh được sự ô nhiễm vô hình và thầm lặng ấy!



Một thống kê thực tế đáng sợ: sau 6 giờ vận hành, máy thu hình đã đạt đến mức giới hạn (theo tiêu chuẩn châu Âu) về ngưỡng phóng xạ là 2,5 miligauss. Sau khi tắt máy, ống catốt kéo dài tác hại trong nhiều giờ nữa. Nên nhớ chỉ cần phơi mình trước màn hình 30cm, cơ thể có thể chịu một bức xạ 20 miligauss.
 Khi bạn ngủ đối diện với máy sẽ có cảm giác khó chịu, trẻ con thì giảm trí nhớ và rất dễ mắc bệnh thần kinh. Trường đại học Dever (Hoa Kỳ) đã thí nghiệm đặt 6 chai nước khoáng trước màn thu hình hoạt động trong một tuần. Sau đó đưa 12 người khoẻ mạnh uống nước trong các chai này. Sau 48 giờ họ nhức nửa đầu, đau khớp, sa sút khả năng sinh lý, ác mộng, hoặc có cảm giác tức thở, và thấy “bóng đè” khi ngủ…


Năm 1989 trường y học Mount Sinai ở Newyork ( Mỹ) tiến hành điều tra trên gần một vạn phụ nữ. Họ thấy các nữ thao tác viên máy tính nếu ngồi 20 giờ mỗi tuần trước máy điện toán sẽ thường bị rối loạn giấc ngủ và làm tăng gấp đôi nguy cơ sẩy thai.

Nếu bạn sống dưới đường dây cao thế hoặc mảnh đất ở có mạch nước ngầm giao nhau, vùng có chất phóng xạ độc hại …, sẽ gây hội chứng lãnh cảm và thui chột khả năng sinh lý và cũng gây cảm giác “bóng đè” trong khi ngủ.


Mạng điện cũng góp phần làm thay đổi nhịp sinh học. Nếu dây điện được giăng đủ cách, nó càng phát triển sóng độc hại; chưa kể đến việc ngôi nhà ở gần dây điện cao thế mà khoảng cách xa không quá 20 mét.
Hướng giường và cấu trúc giường cũng góp phần tạo hiệu ứng “bóng đè”. Đặt giường nơi con chó thích nằm nhất vì chó có cảm nhận đặc biệt, tránh xa các luồng ác xạ. Ngược lại con mèo thường chọn nằm chỗ có nguồn phóng xạ cường độ mạnh nhất. Bộ lông của nó hấp thu dễ dàng điện tích tĩnh của từ trường, Tránh đặt giường và ngủ nơi mèo thích ngủ vì dễ bị phơi nhiễm tĩnh điện.
Hệ thống lò xo của giường, đệm bằng kim loại nhiễm từ sẽ tạo thành những vùng xoáy làm “ chóng mặt” những tế bào thần kinh con người suốt thời gian ngủ, vì vậy cơ thể bị hiệu ứng rối loạn từ trường tự nhiên. Tốt nhất ta nên ngủ trên giường có chân cao và đặt cách xa tường bằng bê tông cốt sắt.

Những vật có bề mặt phản quang như gương soi, dụng cụ mạ đồng cũng có thể trở thành yếu tố bức xúc với vùng phản xạ tự nhiên, nó cũng góp phần gây hội chứng rối loạn sinh lý, khiến giấc ngủ không sâu và dễ bị ảo giác “bóng đè”.


Nhà nào dùng bếp ga thì càng chú ý hơn, khi đun nấu lâu, oxyde carbone có thể thoát ra. Đó là nguồn nhiễm độc hô hấp và thần kinh, gây cảm giác khó thở và cũng dễ bị “bóng đè”
Cửa chính hoặc cổng nhà đối diện với ngã 3 ngã 4 mà trục đường đâm thẳng vào (nhất là những nhà ở thành phố), thì càng dễ bị ảnh hưởng bởi sóng bức xạ thứ cấp như: sóng tia hồng ngoại của các loại xe cơ giới, của dòng người qua lại… phóng thẳng vào nhà. Những người có thần kinh yếu như trẻ con, người già, nhất là khi đau ốm thì tác hại rất lớn đến hệ thần kinh, càng dễ bị cảm giác bất an và thường thấy “bóng đè”.

Hình khối kiến trúc cũng phát xạ. Cấu trúc nhà ở hoặc chế tác đồ dùng trong nhà nên tạo tối đa hình khối tích cực, uyển chuyển, tránh các hình khối có dạng nhọn, sắc, làm cho tâm trí có phản ứng đối kháng (kình khí).
Phòng ngủ không phù hợp về kích thước: quá to thì gây cảm giác hoang mang, trống trải, phòng ngủ nhỏ quá gây bức bối, gò bó, khó chịu và cũng dễ gây hiệu ứng “bóng đè”. Do vậy, kích thước phòng ngủ vừa phải, vuông vắn, giường kê cách xa của chính, không đối diện với nhà bếp hoặc đối diện với phòng vệ sinh.

Trang trí nội thất không ngăn nắp, bày biện quá nhiều thứ trong phòng ngủ khiến ta bị rơi vào cảm giác bừa bộn, bận bịu,

Kê giường ngủ dưới các thanh xà hoặc dầm gỗ, dầm bê tông cũng dễ bị cảm giác “xà đè” hoặc “bóng đè” bởi tuy nó không trực tiếp tác động lên cơ thể chúng ta mà nó tác động lên thể phách và thể vía, khiến ta có cảm giác như có vật gì tác động vào, khiến người ngủ say có cảm giác bất động.
 Nó giống như cục nam châm, đặt bên đồ vật kim loại, khi đặt gần thì sẽ hút nhau. Xà nhà càng gần giường ngủ thì chúng ta càng có cảm giác bị bóng đè nhiều hơn. Vía và thể Phách của chúng ta luôn bị đặt trong trạng thái “báo động” có vật thể nặng chuẩn bị “tấn công”.
Phòng ngủ đặt dưới khu bếp và vệ sinh của tầng trên thì cũng gây ra hội chứng “bóng đè”

Giường ngủ đối diện với cửa sổ mở ra bên ngoài, hoặc mở cửa ra hướng có cảnh vật thê lương, ảm đạm thì gây cảm giác bất an, thể Vía và thể Phách bị phân tán, dễ bị ngoại khí xâm nhập nên hay bị trúng gió,
Phòng ngủ đối diện nhau hoặc gần huyền quan thì thường hay gây hội chứng “xích khẩu” và thất tán năng lượng sinh học.

Màu sắc phòng ngủ rối loạn, sặc sỡ thì dễ bị hoảng loạn điên khùng, nếu dùng gam màu sắc ảm đạm (gam màu chết) thì gây bệnh trầm cảm hoặc tiêu cực, bi quan
Phòng ngủ bị cộng hưởng hoặc phản xạ âm thanh (tiếng vang, tiếng nhại (ECHO) thì rất dễ bị ảo giác như “có ma” đang nói chuyện hoặc trêu đùa.
Kê giường ngủ vào đúng luồng hội tụ của các tia xạ do các luồng khí xoáy, khí quẩn gây ra (kiểu như đường đi của trái bi a) thì dễ bị trúng độc và thường xuyên gặp cảm giác “bóng đè”

Phòng ngủ treo các tranh ảnh phản cảm, kinh dị, ma quái, chiến tranh, hoặc bài trí các hình thù, phù điêu lập dị thì cũng dễ gây hoảng loạn trong giấc ngủ

Các bản nhạc kích động, ẻo lả hoặc buồn chán thê thảm trước khi ngủ thì cũng gây hiệu ứng tiêu cực, nặng nề khiến cho cơ thể dễ rơi vào ảo giác “bóng đè”.



4. Ngoài ra, còn những nguyên nhân liên quan đến yếu tố tâm linh
 

Do các yếu tố Tâm linh liên quan đến tần số cộng hưởng theo nguyên lý đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” của hành giả với thế giới vô hình (sẽ có những phân tích riêng về lĩnh vực này)


* Cách khắc phục hiện tượng “bóng đè”

- Khắc phục những nguyên nhân gây ra bởi yếu tố sức khỏe thì cần sự tư vấn của các chuyên gia ngành y để cải thiện điều kiện sức khỏe, rèn luyện thể thao …


- Khắc phục những nguyên nhân liên quan đến môi trường sống và tác phong sinh hoạt thì tự hành giả cũng có thể đề ra những giải pháp hữu hiệu nhằm thay đổi phong cách sống và môi trường sinh hoạt theo hướng tích cực, lành mạnh.
- Khắc phục những nguyên nhân gây ra bởi yếu tố phong thủy nội ngoại thất cần sự tư vấn của các chuyên gia trong linh vực kiến trúc phong thủy nội ngoại thất
- Khắc phục những nguyên nhân gây ra bởi yếu tố tâm linh, cần hướng tới sự toàn thiện về “Chân Thiện Mỹ”, dùng năng lực của sự Từ Bi, “lấy ân báo oán” để hóa giải các tai ương nghiệp chướng

- Đối với những phụ nữ mang bầu thì ngoài 4 giải pháp như trên, hàng ngày nên thành tâm niệm Phật,bởi vì niệm Phật giúp tâm tịnh và xóa bao lo lắng, căng thẳng, phiền não cho mình và cho nguyện cầu cho trẻ khỏe mạnh, thông minhvề sau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét