PhotobucketPhotobucket GUESTBOOK PhotobucketPhotobucket

Photobucket Blog

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Miền Tây


Miền Tây gạo trắng nước trong Ai đi tới đó là không muốn về


Theo định nghĩa của Wiki thì miền Tây là: 


Vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, còn gọi là Vùng đồng bằng Nam Bộ hoặc miền Tây Nam Bộ hoặc theo cách gọi của người dân miền Nam Việt Nam ngắn gọn là Miền Tây, có 12 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc trung ương.




Quê tui là An Giang, còn tên nữa là Long Xuyên, tới khúc này tự nhiên hổng nói được tiếng Bắc tiếng Trung tiếng Sài Gòn tiếng Hà Nội tiếng Đồng Nai gì ráo, quất toàn bộ tiếng miền Nam cho nó rõ ràng ta đây dân lục tỉnh như ai.


 

 Thiệt tình là người miền Tây hiền lắm, ăn nói thẳng tưng, quần áo xuề xòa, nhà cửa miễn có ở là được. Ở thế kỷ trước, khi mà chưa có dân xứ khác nhập cư thì trừ một số người quá giàu mới quan tâm tới chuyện xây nhà cao cửa rộng, còn phần đông sống tà tà, có tới đâu xài tới đó, có chỗ chui ra chui zô là được rồi.

Người miền Tây cũng rất ít người  có khả năng thâm nho, thâm trầm và thâm hiểm. Quê tui nghĩ sao nói zậy, không màu mè kiểu cách gì hết. Nếu bạn đói bụng, gặp bất kỳ ai, bạn than: Đói bụng quá. Chắc chắc sẽ có người nói: Đói thì zô đây, kiếm ba miếng cho ấm bụng rồi zề.

Ba miếng ở đây, đôi khi chỉ là khúc bánh mì nhỏ xíu, hay chén cơm nguội ăn với tép kho, củ khoai lang hay cái bánh bò, bánh da lợn. Người mời nhiệt tình, người ăn cũng phải thiệt tình. Zậy mới  đúng chất giọng dân miền Nam.

Thiệt tình như vậy nên bị nhiều miền khác kỳ thị, đặc biệt là cái vụ lấy chồng Đài Loan. Xin thưa mấy cha mấy mẹ ưa chê bôi vùng miền. Quê tui không có ai thèm để ý tới cái gì là quốc nhục quốc thể gì đâu. Đơn giản là ở nhà cắm mặt chổng mông cấy lúa mệt quá, thấy mấy đứa kia lấy chồng Tàu đem tiền zề nuôi cha má ngập mặt thì bắt chước thôi.

 Cái này  sao lại kết tội vậy? Mấy chị mấy cô thành phố học tiếng Tây tiếng U rồi cũng lấy Mỹ lấy Tây lấy Úc ra nước ngoài có gì khác đâu. Lấy chồng thì ai hổng lấy? Chồng Tàu hay chồng Mỹ chồng Anh chồng Úc chồng Phi thì khác nhau chỗ nào?

 Đơn giản là dù chồng Việt Nam hay chồng gì mà đem được tiền về cho cha mẹ thì có hiếu rồi. Nghĩ chi cho xa xôi vậy, Thu Minh, Tăng Thanh Hà, Đoan Trang hay gái quê tui thì cũng như nhau thôi.

Bây giờ trở lại chuyện đi chơi. Có nhiều con đường về miền Tây, 12 tỉnh lận mà. Thiệt tình là người viết cũng chưa đi hết dù lúc nào cũng vênh vênh cái mặt nhận mình dân miền Tây. Thôi biết khúc nào làm khúc đó, khúc nào chưa biết mai mốt đi rồi về làm tiếp.


Nơi dễ đi nhứt là ra bến xe miền Tây, đủ mọi kiểu xe từ giàu tới nghèo phục vụ các tầng lớp xã hội. Trước đây bến xe Chợ Lớn cũng có đi các tỉnh Tiền Giang, Long An nhưng bây giờ ở đó chỉ còn xe bus thôi. Ngoài ra ở Ngã 7 Lê Hồng Phong – Lý Thái Tổ có các nhà xe Phương Trang, Mai Linh. 2 hãng xe này đặt bến trung chuyển, chở khách từ đây ra bến xe miền Tây.



Chùa Vĩnh tràng – Mỹ Tho

Gọi điểm xuất phát ban đầu là từ huyện Bình Chánh, nghĩa là bến xe Miền tây chạy ra một chút, tới cao tốc Trung Lương, cao tốc này chạy trên địa phận tỉnh Long An, nếu muốn vào Long An – Tân An bạn phải đi …. không cao tốc. Chạy hết 50 km đường cao tốc là tới Ngã ba Trung Lương. Nếu rẽ trái ngược lại (không phải đường cao tốc) 8km là đường vào Mỹ Tho, thị xã trung tâm của Tiền Giang.



Sẽ đi qua  thị xã Cây Lậy, nơi cách đây nhiều năm có lần đạn pháo rơi vào sân trường tiểu học chết hơn 60 em học sinh. 
Tiếp đó đi qua thị xã Cái Bè, cam Cái Bè là món ngon đặc sản. Tới đây sao nhớ mấy bà xẩm (phụ nữ Hoa) rao bán cam quá.

Cái bè thiềm xẳn đây. Cản mấy lấy chục tai ú tài cao mài mại. Mài thiềm xẳn mài mại. Mài thiềm xẳn mài phèn.
Má tui, một phụ nữ nói veo véo tiếng Hoa và tiếng Pháp, dịch cho tui nghe là quảng cáo cam Cái Bè ngọt như đường cát mát như đường phèn (tiếng Triều Châu chớ không phải tiếng Quan Thoại)


 
Tới ngã ba An Thới Trung, bên tay phải có đường về Cao Lãnh – Đồng Tháp. Con đường này nếu cứ vậy mà chạy theo, cặp theo bờ sông Tiền đi tới huốt luôn là qua biên giới Campuchia, nơi có cửa khẩu Thông Bình đối diện với cửa khẩu PèmTia (Prey Veng) của Campuchia.
Thôi bỏ, đi đường đó mất cái khoái qua cầu Mỹ Thuận. Ráng thêm một đoạn nữa là tới rồi.
Từ khi có cầu, việc thông thương vô cùng tiện lợi, không còn cái cảnh kẹt bắc nữa (miền Nam kêu bằng bắc chớ không kêu bằng phà) tới đây cám ơn mấy anh xứ Kanguru quá chừng, nhưng thiệt tình cũng mất đi cái đẹp lãng mạn của vùng sông nước. Đành vậy thôi.




     Qua cầu Mỹ Thuận là 2 hướng đi, bên   trái là tỉnh Vĩnh Long nổi tiếng với vườn trái cây, nhà cổ và đờn ca tài tử, bên phải là thị xã Lai Vung – Sa đéc, nổi tiếng với món nem (chua) và bánh phồng tôm. Thôi mình đi bên trái trước rồi về bên phải.

Vĩnh Long là chiếc nôi của cải lương, phát nguồn từ bản Tứ đại oán năm 1916 tại nhà âầthầy Phó Mười hai tại Vũng Liêm, dù sau đó  gánh hát đầu tiên được lập ra tại Mỹ Tho và gánh thứ 2 tại Sa Đéc (Đồng Tháp).

Nói chung ở đây ngoài cảnh sông nước và mấy khu du lịch quen thuộc có trái cây, câu cá sấu, đà điểu thì chỉ có đờn ca tài tử là hấp dẫn nhứt
Từ Vĩnh Long đi tiếp tới sẽ gặp một chiếc cầu lớn không thua kém gì cầu Mỹ Thuận, đó là cầu Cần Thơ. Chiếc cầu này nối 2 bờ, bên này Vĩnh Long, bên kia Cần Thơ (Hậu Giang). Thắp một nén hương tưởng nhớ những nạn nhân của vụ sập nhịp cầu phía Vĩnh Long. Nói ra thì bôi bác chớ cầu Mỹ Thuận nhờ tụi Úc nó theo dõi sát sao nên xây dựng ngon lành, Việt Nam mình làm kiểu gì mà chưa xong đã sập hổng biết. Dù sao cũng cho điểm em Vĩnh Long này có con đường chạy tới cầu gần 50km đẹp còn hơn tuyến cao tốc Trung Lương mà khỏi thu phí cầu đường đồng nào hết.  


Tôi lại đi tiếp 120 km nữa để đến Châu Đốc. Thật ra từ Cần Thơ chạy 45 km nữa là tới Ngã ba Lộ tẻ, ở đây có đường đi Rạch Giá (Kiên Giang), Hà Tiên.



 


Nếu muốn ra đảo Phú Quốc thì từ Rạch Giá có thể đi máy bay, tàu cao tốc hay tàu chở hàng. Nhưng thôi, để lần sau. Cần Thơ tới Châu Đốc là chạy ngang TP Long Xuyên – An Giang, từ Ngã 3 Lộ tẻ tới Bắc Vàm Cống chừng chục cây số, qua Bắc Vàm Cống chút là tới bùng binh, có ngã tư mà nếu rẽ về bên trái là vô Ba Thê – Thoại Sơn, nơi có di tích cổ Óc eo (Xem bài 1 ngày Óc eo). Bắt đầu từ đây là TP Long Xuyên, thủ phủ của tỉnh An Giang (là quê tui đó).




Đường sá từ Cần Thơ tới Vàm Cống rất xấu, nhưng từ Vàm Cống tới Châu Đốc thì rất đẹp. Phải thôi, khách du lịch Chùa Bà Núi Sam năm nào cũng ùn ùn. Không làm đường cho đẹp để khách vui lòng sao.



 

Trên đường gần tới TX Châu đốc rẽ trái để tới Chùa Bà. Bà này là bà Thiên Hậu, chuyên phù hộ cho người ta làm giàu nên nhà giàu hay tới để xin cho giàu thêm. Tui biết thân phận mình nghĩ hưu, chẳng có cách gì làm giàu được nên chỉ đi tham quan thôi.



Cách TX Châu Đốc đi thêm 35 km nữa sẽ tới cửa khẩu Khánh Bình, ở đây người ta qua biên giới Cam như đi chợ, bước xuống phà tốn 1k quay đầu phà lại là tới, có hộ chiếu thì trình (nộp 70K VND), không có thì rút ra vài đồng cho Hải quan (tối đa 50k tiền Việt) là yên tâm đi tới cùng trời cuối đất Cam.

Từ Núi Sam hay Châu Đốc cũng có đường qua cửa khẩu Tịnh Biên, ở đây không có phà, đi bộ chừng 500m, qua cái cầu nho nhỏ. Hàng hóa miền Tây, buôn lậu thường qua lại chỗ này nên Hải quan dòm ngó kỹ hơn ở Khánh Bình.
Không kể chuyến đi Cam của tui ở đây, nó sẽ được kể trong một bài khác. Quay về Long Xuyên, quê hương của tui.


Quê hương của tui chả có gì, ngoài cái công viên Nguyễn Du sát bờ sông gió mát, có cái cầu Nguyễn Trung Trực được gọi là cầu quay, nghe kể hồi xưa nó quay được như cầu sông Hàn vậy, dù nó nhỏ chút xíu. Nhưng chắc là thời Pháp chớ bây giờ nó đứng yên không thèm nhúc nhích và sóng đôi với 1 em cầu mới xây để chia sẻ sức nặng xe cộ.




Qua cầu quay là tới 2 cái cầu song song ở 2 bến khác nhau, ngó hay lắm a. Xe cộ liên tỉnh chạy qua cầu Hoàng Diệu, còn cầu Duy Tân từ đầu đường Đoàn Văn Phối chạy qua phía bên kia để đi vô công viên Nguyễn Du.

Trong ảnh trên là chụp từ hướng công viên, cây cầu thấy rõ là cầu Duy Tân, mờ mờ phía bên kia là cầu Hoàng Diệu.
Zô Long Xuyên (zô chớ hổng phải vào) rồi thì nên xuống thuyền ghé qua Cù lao ông Hổ, nằm giữa sông để ghé thăm đền bác Tôn. Chu choa, mình đồng hương với bác Tôn, ghê quá đi. Đền rất đẹp, làm bằng những tảng đá hoa cương lớn.





Một cái phà trộng trộng (nghĩa là không lớn không nhỏ) đưa bạn qua thị xã Chợ Mới giáp ranh huyện Cao Lãnh của tỉnh Đồng Tháp. Cái gì chớ về miền Tây mà huyện Chợ Mới với huyện Châu Thành thì đụng nhau chan chát. Nên phải hỏi rõ là Chợ mới của tỉnh nào, Châu thành của tỉnh nào (Cả miền Tây 12 tỉnh thì có tới 9 huyện Châu thành – tiếng Châu thành giống như bây giờ kêu bằng Thành phố Vinh, thành phố Vũng tàu …..). cái phà trộng trộng này kêu bằng phà An Hòa.




Từ ở Long Xuyên thành phố lớn nhộn nhịp ánh đèn, ăn chơi món gì cũng có. Qua 2k tiền phà, là tới cái chỗ mà nó “quê một cục luôn”, tất cả mọi thứ liên quan tới miền quê Nam bộ không thiếu món gì: từ cầu tre lắc lẻo cho tới lúa xanh mướt mắt, từ cảnh tắm bì bõm kênh rạch cho tới món ăn đặc biệt: Chuột đồng.


 

Lần này ngược đường về bằng con đường Cao Lãnh hay Sa đéc gì cũng được hết. Đứng dưới Bắc An hòa là xe cộ nườm nượp về Sài Gòn chớ không cần phải tới Bắc Vàm Cống mới về SG được đâu.
Sa Đéc còn có làng hoa cung cấp cho các tỉnh miền Nam và nhà cổ Huỳnh Thủy Lê trong phim Người tình.



Đồng Tháp là 1 trong những tỉnh cung cấp gạo lớn nhứt Việt Nam, cũng là nơi hằng năm đón lũ về nặng nề nhứt, do nằm giữa 2 con sông Hậu, sông Tiền. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, chính những trận lũ đó làm cho quê hương miền Tây sạch sẽ thuốc trừ sâu, đất đai được thau chua rửa mặn, phù sa bồi đắp để có những xà lan gạo đem ra thị trường thế giới.
Ở Đồng Tháp, một trong những nơi được khách DL đến là lăng mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc.




Tới đây là đã sắp về cầu Mỹ Thuận hay ngã ba An Thới Trung rồi, tòn teng chút nữa là trở về Cao tốc Trung Lương thôi.


An Chu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét