PhotobucketPhotobucket GUESTBOOK PhotobucketPhotobucket

Photobucket Blog

Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

Chuyện người chết đầu thai làm vua ở Việt Nam


Đây là câu chuyện về một thiền sư đầu thai làm vị vua thứ 5 của triều Lý và lên ngôi tại kinh thành Thăng Long cách đây gần một nghìn năm được sử sách ghi lại hết sức rõ ràng…
      
                               Chùa Lý Quốc Sư, Hà Nội

Chuyện bắt đầu từ cái chết của quan đô án Từ Vinh. Ông ta đã bị một đối thủ thù ghét tìm cách mua chuộc một vị pháp sư có nhiều pháp thuật và bùa chú tên là Đại Điên dùng quyền năng thần bí đánh chết rồi quăng xác của ông xuống sông Tô Lịch ở kinh thành Thăng Long. 

Xác trôi dọc theo kinh thành đến trước nhà của pháp sư Đại Điên bỗng nhiên dừng lại không chịu trôi nữa mà đứng thẳng dậy như người sống, mở mắt trừng trừng oán giận nhìn vào nhà của Đại Điên.

 Đại Điên thấy vậy, dồn hết tinh lực đứng trên bờ đọc mấy câu thần chú và quát to như sấm nổ: “Này xác chết kia, khi còn sống ngươi cũng là một kẻ tu hành. Mà một kẻ tu hành thì không bao giờ nuôi lòng oán giận ai quá một ngày”. Sau câu quát kia, xác Từ Vinh từ từ ngã xuống theo dòng nước sông Tô Lịch trôi đi mất chẳng biết về đâu.

Đến đây xuất hiện nhân vật chính của câu chuyện là Từ Đạo Hạnh (con trai của Từ Vinh). Thấy cha bị giết chết vứt xác không có mồ chôn, nửa đêm Từ Đạo Hạnh tìm đến nhà của Đại Điên tìm cách trả thù. Nhưng vì bấy giờ Từ Đạo Hạnh còn yếu thế, pháp lực chưa được tinh thông, nên bị pháp sư Đại Điên đánh bại.

 Không nản lòng, Từ Đạo Hạnh giũ bỏ tất cả, sống cuộc đời lang bạt, vân du đó đây để tìm thầy học đạo nhằm sau này trở về Thăng Long báo thù cho cha.

Nhiều năm trôi qua, Từ Đạo Hạnh khổ luyện trên núi cao với sự dìu dắt của một minh sư bí mật, nên ông cũng đã nắm giữ được các quyền năng phi thường, có thể hô mây tụ lại và đọc chú làm mưa rơi xuống, dùng mắt phóng quang khiến lá cây trên cao rơi rụng. 

Biết mình đã đủ sức, Từ Đạo Hạnh lẵng lặng về lại Thăng Long, đứng trên đoạn sông Tô Lịch nơi cha mình bị Đại Điên giết chết và quăng xác xuống đó năm xưa, vung tay ném một chiếc gậy xuống dòng nước đang chảy xiết. 

Dòng nước tuy mạnh mẽ kia vẫn không cuốn trôi được chiếc gậy của Từ Đạo Hạnh mà trái lại chiếc gậy ấy lại trôi ngược dòng nước lên phía thượng lưu.

Từ việc đó, Từ Đạo Hạnh tự nghiệm rằng pháp lực của mình đã đủ, bèn tìm đến nhà Đại Điên, đứng trước cửa gọi tên Đại Điên 3 lần. Đại Điên trong nhà bước ra, biết có người đến gây chuyện, bèn ngữa mặt lên trời đọc chú để hô các hộ thần đến bảo vệ. 

Nhưng Từ Đạo Hạnh đã ra uy đưa một ngón tay lên trời khiến sấm chớp xuất hiện vắt ngang qua không gian như một lưỡi đao mỏng khổng lồ sáng chói và uy nghiêm khiến các hộ thần của Đại Điên biến mất. Liền đó Từ Đạo Hạnh thi triển pháp lực và chỉ đánh một gậy giết chết Đại Điên.

Tượng thiền sư Nguyễn Minh Không ở chùa Lý Quốc Sư, Hà Nội Tượng thiền sư Từ Đạo Hạnh tại chùa Thiên Phúc, Hà Tây

Trả xong thù nhà, Từ Đạo Hạnh bước xuống bờ sông Tô Lịch rửa tay và đi thẳng lên núi, không dính gì đến việc đời nữa, từ đó tĩnh tu thoát tục. Trong thời gian tu hành trên núi ông đã làm bạn với một thiền sư tên tuổi lừng lẫy ở chốn tùng lâm là Nguyễn Minh Không. 

Nguyễn Minh Không là nhân vật có thật được sử sách xưa và nay ghi lại, đưa vào các bộ từ điển danh nhân Việt Nam, với tên Nguyễn Chí Thành sinh ngày 14.8 năm Bính Thìn tức năm 1076 dương lịch ở làng Loại Trì, huyện Chân Định, tỉnh Nam Định.

 Lúc còn ở độ tuổi thanh niên, Minh Không đã sang Thiên Trúc (Ấn Độ) học đạo và khi du phương đến sông Hoàng Hà (Trung Quốc), sư đã thả nón xuống nước đứng trên ấy lướt sang bò bên kia trong chớp mắt.

Sư cũng là người đúc tượng Phật A Di đà tại chùa Quỳnh Lâm (Hải Dương), đúc đỉnh đồng tại tháp Bảo Thiên (Thăng Long), đúc đại hồng chung ở Phả Lại và đúc vạc ở Minh Đảnh. Số đồng đúc còn dư, sư đem về chùa làng của mình đúc một đại hồng chung nặng 3.300 cân… Những công trình tạo tác các tác phẩm bằng đồng kể trên chứng tỏ Minh Không là một vị thiền sư am tường về kỹ thuật đúc đồng điêu luyện thời cổ, cũng chính vì thế người đời nay đã tôn thiền sư Minh Không là một trong các vị tổ của nghề đúc đồng Việt Nam. 

Ngoài những điều trên, Minh Không đặc biệt được nhắc đến do mối liên quan với cuộc đời của Từ Đạo Hạnh.

Nguyên Minh Không là bạn tu hành với Từ Đạo Hạnh như nói trên (có sách chép rằng Minh Không là đại đệ tử truyền thừa của Từ Đạo Hạnh), hai người rất mến phục nhau vì đạo đức, từ bi và lão luyện trong pháp thuật.

Một hôm, Minh Không đang trên núi đi xuống, qua một ngọn đồi có cây lá rậm rạp, lúc ấy Từ Đạo Hạnh núp trong bụi giả làm tiếng cọp rống để hù dọa Minh Không. Nhưng Minh Không vẫn tĩnh tâm và biết đây là Từ Đạo Hạnh giả tiếng cọp rống để dọa mình chơi.

 Vì thế Minh Không gọi Từ Đạo Hạnh từ trong bụi bước ra để trách đại ý rằng: “Ngày nay ông đã dùng tà hạnh và chú ngữ để giả làm tiếng cọp rống thì sau này thế nào ông cũng phải chịu hậu quả là biến hình thành loài cọp trong một kỳ hạn nào đó chứ không thể tránh được. Việc này do ông gây ra thì ông phải nhận lấy điều không hay theo đúng luật nhân quả”.

 Nghe Minh Không nói, Từ Đạo Hạnh rất hối hận, phát tâm mãnh liệt sám hối và nhờ Minh Không một việc:

- Đời sau khoảng 30 năm nữa, khi ta đã chết và đầu thai hóa thành cọp thì duy chỉ có một mình ông mới có thể cứu chữa cho ta, ta nhờ ông việc đó xin đừng từ chối.

Minh Không nhận lời. Không lâu sau, vào một ngày thiêng, Từ Đạo Hạnh tìm đến chỗ vắng vẻ trút xác, rồi đưa thần thức của mình nhập vào thai của một phu nhân triều Lý sắp đến ngày sinh nở. Phu nhân kia sinh ra một cháu trai kháu khỉnh (hậu thân của Từ Đạo Hạnh) và được đưa lên ngôi, làm vị vua thứ năm của nhà Lý vào năm 1128 lúc mới 12 tuổi, tức vua Lý Thần Tông trong chính sử Việt Nam.

Lý Thần Tông là một vị vua thương nước thương dân, đã ban lệnh đại xá thiên hạ, tha cho những ai bị đày ải lâu ngày, trả lại ruộng đất cho dân bị các quý tộc thâu tóm trước kia ngay từ những ngày đầu khi ông mới lên ngôi. Đại Việt sử ký toàn thư nhận định Lý Thần Tông có tư chất thông minh và có lòng độ lượng của bậc đế vương.

Đến năm mới 20 tuổi nhà vua phát một căn bệnh lạ khiến các danh y bó tay không biết đường nào chữa trị. Đó là bệnh gầm rú cuồng loạn như cọp, khắp người mọc đầy lông lá vằn vện. Lúc đầu hoàng gia và triều thần còn che giấu thiên hạ, không muốn để ai biết chuyện, nhưng càng về sau bệnh vua càng nặng, la hét gào xé suốt đêm, suốt ngày.

 Triều đình phải đóng một cái cũi bằng vàng để nhốt Lý Thần Tông trong đó. Mặt khác, sai người lùng kiếm khắp nơi để tìm thầy chữa chạy, sứ giả đi đến vùng Chân Định thuộc tỉnh Nam Định nghe trẻ con vừa đùa giỡn vừa hát mấy câu đồng dao sau này được diễn ca thành nhiều lời như sau:

Có vua Lý Thần Tông/ Việc nước rất tinh thông / Bỗng nhiên mắc bệnh lạ / Suốt ngày đêm kêu rống / Tiếng kêu như cọp gầm / Như muốn ăn thịt sống / Khắp người mọc đầy lông / Như loài cọp trong rừng / Muốn chữa được bệnh ấy / Phải tìm Nguyễn Minh Không…

                                   Tượng vua Lý Trần Tông

Theo lời của bài ca, triều đình thử sai mời Nguyễn Minh Không. Bấy giờ Minh Không đắc đạo, bay lên không trong chớp mắt và đi trên mặt nước không chìm. 

Ngài đã vào hoàng cung trong bộ áo nâu sòng giản dị, sai đẩy chiếc cũi bằng vàng có nhốt vua Lý Thần Tông trong ấy đến bên cạnh mình. Rồi sai đem một cái vạc đựng đầy nước nấu sôi sùng sục, bỏ vào đó 100 cây kim, thản nhiên thò tay của mình xuống nước đang sôi khuấy mạnh một lúc rồi lấy ngón tay kẹp từng cây kim một lần lượt châm vào người vua Lý Thần Tông, lấy nước sôi ấy vẩy lên mình vua, hễ vẩy đến đâu lông lá trên người vua rụng đến đó.

Móng và răng cọp cũng vậy, rụng dần theo quyền phép của Minh Không để hoàn trả lại thân người cho Lý Thần Tông như cũ.

Các sách văn học nổi tiếng như: Thiền uyển tập anh, Lĩnh Nam chích quái, Nam Ông mộng lục đều có nhắc đến câu chuyện này với nhiều tình tiết tuy có khác nhau một đôi chút song cốt lõi của chuyện Từ Đạo Hạnh chết đi đầu thai thành vua Lý Thần Tông trong lịch sử vẫn giống nhau. 

Các bộ sách xuất bản gần đây như Từ điển văn học (bộ mới) của NXB Thế giới – Hà Nội, Thiền sư Việt Nam của hòa thượng Thích Thanh Từ, Lịch sử Phật giáo Việt Nam của Lê Mạnh Thát, Việt Nam Phật giáo sử lược của Nguyễn Lang – cùng những chuyện kể còn lưu truyền ở địa bàn tọa lạc của chùa Lý Triều Quốc Sư (Hà Nội), chùa Lý Quốc Sư (TP.HCM), chùa Thiên Phúc (vùng Hà Tây)… đã cho thấy giá trị văn hóa tâm linh về nhiều mặt của câu chuyện.

Và trên hết là ý nghĩa giáo dục về luật nhân quả, làm thiện sẽ gặp điều lành, làm ác sẽ gặt quả ác, không chỉ trong hành động mà còn trong lời nói và chi phối không chỉ ở kiếp này mà còn đến tận kiếp sau nữa.

 Như trường hợp Từ Đạo Hạnh giả làm cọp dọa người sẽ phải biến thành cọp, giả làm tiếng cọp gầm sẽ phải gầm như cọp – do đó nội dung văn hóa ứng xử của câu chuyện nói lên hậu quả tốt xấu do hành động và cả lời ăn tiếng nói thiện hoặc ác của mình để nêu lời cảnh báo suốt gần nghìn năm nay trong lịch sử Việt Nam….


                                      Chùa Thiên Phúc, Hà Tây


Theo Tạp chí Duyên Dáng Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét