PhotobucketPhotobucket GUESTBOOK PhotobucketPhotobucket

Photobucket Blog

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

Lý Sư Sư: Phận gái lầu xanh động lòng vua chúa

Phận gái lầu xanh động lòng vua chúa

Mặc dù không may rơi vào cảnh phong trần nhưng nàng kỹ nữ này có tính cách kiêu ngạo, yêu thích cái nền nã, thanh cao, tính tình khẳng khái, có khí phách của đấng trượng phu.

Biện Kinh, kinh đô của Bắc Tống, là thành phố phồn hoa nhất thời bấy giờ, nơi tập trung rất nhiều quan lại triều đình, các nhà buôn lớn và giàu có. Thế là kỹ viện, lầu xanh mọc lên như nấm giúp họ tiêu khiển. Các kỹ nữ lầu xanh phần lớn xuất thân từ tầng lớp thấp. 


Để hợp khẩu vị của khách làng chơi, các bà chủ kỹ viện đã dạy cho họ cầm kỳ thi họa từ nhỏ nên các cô cũng đã có được kiến thức về văn học nghệ thuật mà những người con gái bình thường khác vào thời đó không có được. Có nhiều cô do thông minh xinh đẹp, đa tài đa nghệ nên nổi tiếng một vùng nhưng nổi tiếng nhất vẫn còn lưu truyền tới ngày nay phải kể đến Lý Sư Sư.

Nàng là con gái một người thợ nhuộm họ VươngThành Đông Kinh, vừa sinh ra thì mẹ mất. Người cha dùng sữa đậu nành thay sữa mẹ nuôi nàng khôn lớn.


 Theo tập quán Biện Kinh lúc bấy giờ, người cha do vô cùng thương yêu con nên đã cho con nương nhờ cửa phật để được phù hộ độ trì. Cha Lý Sư Sư gửi con vào chùa Bảo Quang ở Đông Kinh, lấy tên Sư Sư. Lúc Sư Sư được bốn tuổi, cha cô phải vào tù và chết ở trong đó. Sư Sư mồ côi cả cha lẫn mẹ được một bà chủ chứa họ Lý mang về nuôi nên từ đó nàng mang họ Lý.


Lý Sư Sư lớn lên tài sắc vẹn toàn, đứng đầu các kỹ nữ trong kỹ viện. Mặc dù không may rơi vào cảnh phong trần nhưng nàng có tính cách kiêu ngạo và yêu thích cái nền nã, thanh cao, tính tình khảng khái có khí phách của đấng trượng phu. Sự nổi tiếng của nàng không ngờ lại dẫn đến một “giai thoại phong trần”.

 Nguyên là Tống Huy Tông Triệu Cát, hoàng đế thứ 8 nhà Bắc Tống là một ông vua phóng đãng nổi tiếng. Năm 19 tuổi, ông ta kế vị lên ngôi vua thay người anh, tiếp nhận cơ ngơi triều đình đổ nát. Mới 19 tuổi, Huy Tông không thể nào thống trị đất nước nên cuối cùng đành bỏ qua không quan tâm, giao việc triều chính cho lũ gian thần để ngày đêm đắm chìm vào thơ ca nhạc họa.

Dù rất dốt về triều chính nhưng Huy Tông lại rất thông hiểu về văn học nghệ thuật, tinh thông âm luật, yêu thích hội họa đàn ca. Ở phía bắc thành Biện Kinh, ông cho xây Ly cung “Cấn nhạc”, bên trong đầy những hoa thơm cỏ lạ, suốt ngày yến tiệc quanh quẩn trong đó. Chẳng bao lâu ông ta cũng cảm thấy buồn chán và muốn ra ngoài thành Biện Lương vi hành và chơi bời.


Biết tiếng danh kỹ Lý Sư Sư nên nhà vua ham chơi này đã sắp xếp để gặp nàng. Đêm hôm gặp Lý Sư Sư, Huy Tông đã cải trang thành một thương nhân để đến kỹ viện. Bà chủ họ Lý thấy vị khách là một thương gia giàu có nên đón tiếp rất trịnh trọng và dắt Tống Huy Tông vào một căn phòng nhỏ để gặp Lý Sư Sư. Sư Sư trang phục giản dị, không trang điểm cầu kỳ phấn son, mặc bộ đồ lụa, xinh tươi như đóa hoa sen vừa cất mình khỏi mặt nước, thế nhưng thần sắc của cô có vẻ lạnh lùng, kiêu sa, gặp Huy Tông cũng chẳng thi lễ, coi như không nhìn thấy gì. 


Sau khi bà Lý đi ra, Sư Sư từ từ đứng dậy bỏ áo khoác ngoài lụa đen ra, chỉ mặc một áo bằng lụa trắng mỏng, nhẹ nhàng lướt năm đầu ngón tay dạo khúc “Bình sa lạc nhạn”.

 Huy Tông vừa thưởng thức tiếng đàn vừa ngắm Sư Sư dưới ánh nến, chỉ thấy đôi mày của cô tựa dãy núi xa xa, đôi mắt long lanh tựa mặt nước mùa thu, kiêu sa mà quyến rũ, xinh đẹp một cách quý phái, còn tiếng đàn thì thánh thót dịu êm thoáng pha chút buồn man mác.

Mối quan hệ của Huy Tông với Lý Sư Sư không những chỉ lưu truyền trong thành Đông Kinh mà mọi người quanh vùng, gần xa đều biết. Trong lúc Tống Huy Tông sa đà vào chốn thanh lâu thì quân Kim đánh thẳng xuống phía Nam, xông thẳng tới Đông Kinh. Chỉ trong chốc lát, Biện Lương thanh bình đã hiện rõ cảnh hoang mang bại trận. Huy Tông tuyên bố thoái vị và vội vàng chạy trốn về phía Nam.


Lý Sư Sư tuy là một kỹ nữ nhưng lại là một người con gái hiểu biết, cô đã quá chán ghét cuộc sống ở lầu xanh, mong một cuộc sống trong sạch thanh nhã. Khi quân Kim tiến về phía Nam, Sư Sư mang tất cả vàng bạc dành dụm được cùng mọi thứ quý giá mà hoàng thượng ban tặng cho quan phủ Khai Phong để làm quân lương cho quân sỹ chống quân Kim.


Từ sau khi phủ Khai Phong bị chiếm, Lý Sư Sư bị đem nộp cho quân Kim, nhưng nàng không cam chịu làm cống vật cho bọn giặc nên đã rút trâm vàng cài tóc tự đâm vào họng mình nhưng lại không chết.


 Cuối cùng nàng rút trâm vàng bẻ làm đôi rồi nuốt vào miệng cho đến chết. Khi ấy mọi người được chứng kiến cảnh đau lòng đó đều khóc nức nở vì thương cảm. Có tài liệu cho rằng, Sư Sư không lọt vào tay quân Kim mà sau khi hiến tài sản cho việc chống giặc, nàng mai danh ẩn tích vào tu trong một ngôi chùa.

Lý Sư Sư là một nhân vật bi kịch, nàng được trời phú cho tài hoa nghệ thuật, do sự an bài của số mệnh, không may rơi vào cảnh phong trần. Trong hoàn cảnh bị khinh miệt, biến thành trò chơi, nàng vẫn ra sức bảo vệ được chút nhân cách độc lập của mình.


Đất Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét