PhotobucketPhotobucket GUESTBOOK PhotobucketPhotobucket

Photobucket Blog

Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014

Đôi giếng không bao giờ cạn nước

Dưới chân núi Ái Nàng (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) có một đôi giếng chỉ sâu 1,5 m lúc nào cũng đầy ăm ắp nước. Liên quan tới giếng là truyền thuyết về con rắn thần có tình có nghĩa.
 
Đôi giếng nằm trong khu dân cư thuộc làng Chiềng, xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy. Bao quanh có 3 cây si cổ thụ với nhiều rễ lớn, nhỏ ăn xuống mặt đất, tán lá ôm trọn quần thể giếng. Nước giếng chỉ sâu ngang vai người và luôn tràn ra ngoài. Ngay cả khi người dân múc nước cả ngày, nước vơi rồi lại tràn trề, kể cả trong những mùa khô hạn nhất.

Sáng sớm mùa đông ở miền núi buốt lạnh thấu xương, trái lại ở cạnh giếng hơi ấm lan tỏa. Người dân đến giếng lấy nước rửa mặt, vốc một chút nước cũng đem lại cảm giác ấm áp, thanh khiết.

4_1388454566.jpg
Bao quanh quần thể giếng là những cây cổ thụ khổng lồ. Ở đây có bia mộ thờ ông Cao Huy Thuật, ông Tổ của vùng đất này. Ảnh: Phan Dương.

Bà Cao Thị Minh (60 tuổi), về làm dâu làng Chiềng hơn 40 năm nay cho biết, thuở ấy xung quanh đây hoang vu, những cây cổ thụ rậm rạp hơn cả bây giờ. Ngày nào, bà Minh cũng ra giếng vài bận giặt giũ bởi nước ấm, sạch, lại không tốn sức múc như ở nhà. Mùa đông chỉ có đàn ông tắm là chính. Đến mùa hè, người ngoài giếng đông như hội từ sáng sớm tới tận khuya. 

Giếng dưới túm tụm đám trai làng dội nước tung tóe. Giếng trên kín đáo hơn, từ xưa đã được dành cho đàn bà, con gái. "Thời mới về làm dâu, tôi ngượng không dám tắm ở chốn đông người. Ấy thế mà lâu dần cũng quen, ở đây từ thiếu nữ đến bà già đều tắm tập thể cả", bà Minh cười nói.

Còn với cụ Tâm (86 tuổi), đôi giếng này gắn với cả cuộc đời cụ. "Nhớ thời còn nhỏ, một ngày không biết bao nhiêu bận tắm tiên ngoài giếng. Đến lúc trưởng thành vất vả với đồng ruộng trong cái nắng tháng 6 oi ả mà được dội gáo nước mát lên người sảng khoái vô cùng.

 Những đêm trăng thanh, đám trai gái trong làng hẹn nhau ngoài đây tỉ tê đủ thứ chuyện. Giờ già rồi nhưng chẳng mấy khi tôi tắm ở nhà vì đã quá quen với cái nếp tắm ở đó", ông cụ giãi bày.

1_1388454596.jpg

Quần thể giếng có diện tích hơn 300 m2, giếng dưới của đàn ông, giếng trên của đàn bà. Ảnh: Phan Dương.

Với người dân làng Chiềng, đôi giếng rất linh thiêng. Trưởng thôn Cao Thái Hiền cho biết, bình thường giếng không bao giờ cạn nhưng đôi khi mực nước tụt xuống bất thường hay sôi sục rất kỳ lạ. Năm 1960, giếng xây thành bằng xi măng thì không sao, đến năm 1989 xây tường bao quanh có dùng thêm vôi, nước sôi sục lên, đỏ ngầu. 

“Vào những dịp đặc biệt như chuyển giao thế kỷ hay thời khắc giao thừa, nước giếng cũng sôi lên rồi tụt xuống. Sau những lần ấy, chúng tôi phải làm lễ. Vài ngày sau nước mới từ từ trong và dâng lên như bình thường”, ông Hiền cho biết.

Ở làng, ngay cả đứa trẻ cũng thuộc lòng truyền thuyết về đôi giếng và sự tích rắn trả ơn. Tương truyền vào đời vua Lê Thần Tông, làng Chiềng âm u, quanh năm hạn hán. Nơi đây chỉ có gia đình ông già họ Cao, tên Thuật cùng vài người hàng xóm chung sống bên nhau. Ông Thuật nuôi một con rắn từ khi còn là trứng nước. 

Người dân thấy rắn lớn nên đòi giết, ông Thuật bèn đem thả ra sông Ngang.
Sau đó, làng bị hạn hán bất thường khiến nhiều người chết đói, trong đó có ông Thuật. Biết ân nhân gặp nạn, con rắn đã đào đường dẫn nước từ sông về làng, tạo nên giếng làng Chiềng.

3_1388454612.jpg

Giếng chỉ sâu hơn 1m, nước luôn tràn ra bên ngoài. Ảnh: Phan Dương.


Theo ông Hiền, về sau rắn được dân làng suy tôn là Thần Thủy Phủ Long Vương, còn ông Thuật được phong là ông Tổ của vùng đất này. Ngày nay, con cháu của ông Cao Huy Thuật vẫn lưu giữ những bản sắc phong cho đôi giếng và ông Thuật. Hiện các ông Cao Viết Hội (làng Áo), Cao Viết Nguyệt (làng Bái) và Cao Viết Cẩm (làng Chiềng) lưu giữ các bản sắc phong từ đời vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Định.

Hễ có người hỏi xem, ông Cao Viết Nguyệt phải thắp hương xin tổ tiên đưa hòm đựng sắc phong xuống. Hòm hình chữ nhật dài, bên ngoài chạm trổ tinh tế. Bên trong là mảnh vải đỏ bọc bản sắc phong, đôi chỗ đã cũ nát nhưng vẫn có con dấu từ đời vua Duy Tân, ban ngày 11/8/1909, ghi nhận công lao của ông tổ họ Cao.

"Trước đây vào những mùa hạn hán, chính quyền tổ chức rước các bản sắc phong để làm lễ cầu mưa. Giờ đây không làm lễ nữa nên dòng họ tôi chia ra mỗi gia đình giữ một bản", ông Nguyệt cho biết.
Khoảng 27 Tết hàng năm, trai tráng làng Chiềng lại được huy động xuống chặn nguồn nước rồi tát sạch, làm vệ sinh cho giếng.

 Gần tới phút giao thừa, dân làng tụ tập quanh giếng. Những người cao niên nhất trong làng dâng một mâm cỗ làm lễ cúng. Sau đó, mỗi nhà đều lấy một chai nước, bày lên bàn thờ tổ tiên cầu mong an lành, no ấm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét